Startup kỳ lân là cụm từ nhằm ám chỉ những startup lớn mạnh được định giá trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, con đường họ đi không chỉ toàn trải hoa hồng mà còn có cả những cạm bẫy luôn rình rập, những cạm bẫy đến từ chính sự thành công của họ.

Khi công ty dịch vụ tài chính Square phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá bán 9 USD / cổ phiếu thấp hơn nhiều so với mức định giá trên 15 USD của các nhà đầu tư tư nhân trong một năm trước. Điều này giống như dội một gáo nước lạnh vào công ty 6 năm tuổi này. Giá cổ phiếu của công ty có tăng trong lúc chào bán, nhưng giá trị của công ty đã giảm xuống và giữ nguyên còn khoảng 4 tỷ USD vào cuối ngày, nó chỉ bằng 2/3 con số 6 tỷ USD mà Square xứng đáng được nhận. Trước đợt IPO, Square đã được xếp hạng trong danh sách hơn 130 Startup kỳ lân: các công ty công nghệ tư nhân có giá trị trên 1 tỷ USD.

Số lượng Startup kỳ lân đã tăng lên theo cấp số nhân trong những năm gần đây, thế nhưng cho đến cuối năm 2015, cuộc vui nào cũng có hồi kết. Trường hợp IPO của Square là một ví dụ. Nhiều Startup kỳ lân đã không làm tốt được như mong đợi nhưng tại sao lại như vậy? Một số nhà phân tích đổ lỗi cho việc định giá ảo trong khi những người khác lại cho là do chi tiêu quá mức. Cả hai đều đúng ở một mức độ nào đó và đã có nhiều bài viết phân tích về chúng. Nhưng còn một lý do thuyết phục khác lý giải tại sao những Startup Kỳ lân đang ngắc ngoải: Họ đã thất bại trong việc cải tiến khi bị các đối thủ cạnh tranh đuổi kịp.

Startup kỳ lân hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp lớn, có thế lực, nhưng vẫn có thể phát triển nhanh chóng bằng cách tập trung vào một ý tưởng tốt-đôi khi là một ý tưởng tuyệt vời. Square đã đánh vào các công ty thẻ tín dụng mà tính phí quá cao cho các chủ doanh nghiệp nhỏ; Dropbox, người tiên phong trong lĩnh vực chia sẻ tập tin trực tuyến, đã cung cấp cho những người dùng không am hiểu công nghệ một cách lưu trữ và chia sẻ các tập tin dễ dàng và rẻ tiền hơn; và một loạt các công ty cung cấp hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu trên các ứng dụng Smartphone mà trước đây phải mất khá nhiều thời gian để truy cập. Ngày nay, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, chúng ta đang thấy một số Startup kỳ lân giống nhau đang phải đấu tranh, không chỉ để theo kịp thị trường, mà còn để tiếp tục đổi mới và vượt qua những thành công đầu tiên của chính họ.

Một trong những Startup kỳ lân thành công nhất cho đến nay là Dropbox, một công ty chia sẻ và lưu trữ dữ liệu trực tuyến được thành lập vào năm 2007. Dropbox đã biến việc lưu trữ trực tuyến trở nên dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng phổ thông, khi tạo ra một thư mục đơn giản, thân thiện với người dùng trên desktop. Nó giống như một phần mở rộng trong hệ điều hành của bạn. Với việc mang ý tưởng công nghệ tuyệt vời này đến tay người tiêu dùng, Dropbox đã trở thành một trong những Startup kỳ lân đầu tiên.

Với mức định giá 10 tỷ USD ở thời điểm hiện tại và sở hữu 400 triệu người sử dụng, Dropbox là ví dụ điển hình cho sự bùng nổ của các Startup kỳ lân. Nhưng nó cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các ông lớn như Apple, Microsoft, Google, và Amazon trong một ngành công nghiệp mà tất cả đang bị kéo vào “cuộc đua trở về con số không”. Trong cuộc đua này, nhờ có công nghệ điện toán đám mây và thiết bị chuyển đổi, các đối thủ cạnh tranh đang ngày càng cung cấp nhiều dung lượng dự trữ hơn trong khi giá thành lại rẻ hơn.

Người tiêu dùng đang nhanh chóng chuyển sang sử dụng các thiết bị di động, nơi mà “magic folder” không còn hữu dụng nữa thế nhưng hệ điều hành trên điện thoại của họ thì được kiểm soát chặt chẽ bởi Apple và Google. Nếu chiếc Smartphone của bạn đã có sẵn ứng dụng lưu trữ đám mây thì tại sao bạn phải mất thời gian và tiền bạc cho một thứ khác? Dropbox cần phải đổi mới nếu như họ muốn theo kịp các đối thủ lớn. Một đối thủ nhỏ hơn là Box cũng đang thực hiện các cải tiến ​​khác, một trong số đó là ứng dụng quản lý dự án.

Evernote bắt đầu với sứ mệnh là trở thành “bộ não thứ hai của bạn”. Là một công cụ ghi chú rất được yêu thích, Evernote giúp bạn luôn kiểm soát được công việc dù ở bất cứ nơi nào và với bất cứ thiết bị nào bạn đang sử dụng. Nhưng ngay sau đó, Google và Apple cho ra mắt sản phẩm Google Docs và Apple Notes. Evernote đã có động thái đa dạng hóa sản phẩm, họ giới thiệu Evernote Market vào năm 2013 để bán các sản phẩm hữu hình như: máy in, ba lô và máy tính xách tay. Nhưng những nỗ lực của công ty không có sự tập trung, và đó là điều khá rủi ro khi một doanh nghiệp đi quá xa khỏi giá trị cốt lõi của nó. Các quyết định cần phải dựa trên insight và thử nghiệm. Đổi mới là để phục vụ một nhu cầu đã được lường trước, và nhu cầu đó được thực nghiệm bằng cách đánh cược nhỏ trước khi triển khai trên diện rộng chứ không đơn thuần là tung ra các sản phẩm, dịch vụ và xem cái nào đáp ứng trúng nhu cầu thị trường. Evernote đã phạm phải một sai lầm kinh điển khi nghĩ rằng nhiều hơn đồng nghĩa với tốt hơn. Vào tháng 2 năm 2016, công ty đã đăng một thông báo trên trang web của mình cho biết họ sẽ đóng cửa dịch vụ Evernote Market, và lưu ý thêm rằng “… Evernote là một công ty phần mềm.”

Những Startup kỳ lân không phát hành cổ phiếu giống như Evernote hay Dropbox, cũng có những lợi thế riêng, chẳng hạn như Square. Họ có cơ hội để phát triển các ý tưởng mới trước khi đưa công ty chuyển sang giai đoạn đầu tư công. Họ có thể xây dựng một nền văn hoá sáng tạo, nơi mà sự đổi mới không chỉ đơn giản là có được một ý tưởng tốt để đưa ra thị trường. Thứ văn hoá này luôn lường trước những thay đổi, xác định cơ hội trong những thay đổi đó và tìm ra cách thức thử nghiệm các sáng kiến với chi phí thấp ​​trước khi tiến xa hơn. Họ làm việc này liên tục và vượt qua đối thủ cạnh tranh khác, những người chỉ tập trung vào sự đổi mới sau cùng. Khi cuộc cạnh tranh nổ ra, chỉ có những Startup kỳ lân đã xây dựng nền văn hóa hướng về phía trước mới có thể tránh khỏi cái bẫy từ sự thành công sớm của chính họ.

NGUỒN : THEO SAGA.VN